Thời Trung Hoa Dân Quốc Lịch_sử_Bắc_Kinh

Cách mạng Tân Hợi năm 1911 lật đổ triều đình Thanh, song chế độ mới là Trung Hoa Dân Quốc vẫn định đô tại Bắc Kinh do nội các tổng lý đại thần Viên Thế Khải của nhà Thanh đoạt lấy quyền kiểm soát chính phủ mới từ những nhà cách mạng ở phương nam. Viên Thế Khải và những người kế nhiệm ông (đều xuất thân từ quân Bắc Dương) cai quản chính phủ Bắc Dương từ Bắc Kinh cho đến năm 1928, khi Quốc Dân đảng tái thống nhất quốc gia thông qua Quốc Dân Cách mạng quân Bắc phạt, thủ đô từ đó được chuyển đến Nam Kinh, Bắc Kinh được đổi tên thành Bắc Bình. Năm 1937, một cuộc đụng độ nổ ra giữa quân đội Trung Quốc và Nhật Bản ở Lư Câu Kiều bên ngoài thành Bắc Kinh, dẫn đến Chiến tranh Trung-Nhật. Người Nhật Bản lập ra Chính phủ Lâm thời Trung Hoa Dân Quốc bù nhìn tại miền Bắc Trung Quốc, đổi tên thành phố thành Bắc Kinh và đặt thủ đô của chính phủ này tại Bắc Kinh. Sau khi Nhật Bản đầu hàng vào năm 1945, thành phố lại thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc và được đổi tên thành Bắc Bình. Trong Nội chiến Trung Quốc giữa Quốc Dân đảng và Cộng sản đảng, Bắc Kinh được Giải phóng quân tiếp quản hòa bình vào năm 1949 và được đổi tên thành Bắc Kinh, trở thành thành thủ đô của chính thể mới.

Cách mạng Tân Hợi

Viên Thế Khải đoạt lấy quyền lực tối cao của Trung Quốc sau Cách mạng Tân HợiViên Thế Khải thiết lập văn phòng và dinh thự tại khu Trung Nam Hải, Tân Hoa Môn được xây ở lối vào phía nam của Trung Nam Hải vào thời Viên Thế Khải

Khi khởi nghĩa Vũ Xương nổ ra vào tháng 10 năm 1911, triều đình Thanh phái Viên Thế Khải và quân Bắc Dương của ông đi trấn áp cuộc nổi dậy. Trong lúc chiến đấu với những người cách mạng ở phía nam, Viên Thế Khải đồng thời cũng đàm phán với họ. Vào ngày 1 tháng 1 năm 1912, Tôn Trung Sơn thành lập Trung Hoa Dân Quốc tại Nam Kinh và được bầu làm đại tổng thống lâm thời. Chính phủ Lâm thời Trung Hoa Dân Quốc không được cường quốc nào công nhận, và Tôn Trung Sơn chấp thuận nhường vị trí lãnh đạo cho Viên Thế Khải để đổi lấy hỗ trợ trong việc chấm dứt triều Thanh. Ngày 12 tháng 2, Viên Thế Khải buộc triều đình Thanh đang dưới quyền cai quản của nhiếp chính vương Tải Phong phải từ bỏ địa vị thống trị. Long Dụ thái hậu ra chiếu thoái vị thay mặt Tuyên Thống Đế Phổ Nghi mới năm tuổi. Ngày hôm sau, Tôn Trung Sơn từ chức đại tổng thống lâm thời và tiến cử Viên Thế Khải vào vị trí này. Theo các điều khoản thoái vị, Phổ Nghi vẫn được giữ các tước hiệu và nhận được một khoản trợ cấp từ Dân Quốc. Phổ Nghi được phép tiếp tục ở trong Tử Cấm Thành một thời gian, song sau đó bị yêu cầu chuyển đến Di Hòa Viên.

Tôn Trung Sơn kiên quyết yêu cầu rằng chính phủ lâm thời đặt ở Nam Kinh. Ngày 14 tháng 2, Hội nghị Nghị viên lâm thời bỏ phiếu lần đầu về vấn đề thủ đô, Bắc Kinh nhận được 20 phiếu trong khi Nam Kinh nhận được 5 phiếu, Vũ Xương được 2 phiếu và Thiên Tân được 1 phiếu.[119] Phần lớn đại biểu Nghị viện muốn đảm bảo hòa bình bằng việc để trung tâm quyền lực tại Bắc Kinh.[119] Trương Kiển và những người khác biện luận rằng đặt thủ đô ở Bắc Kinh cũng sẽ có thể ngăn ngừa Mãn Châu phục hưng và Mông Cổ ly khai. Song Tôn Trung Sơn và Hoàng Hưng thì ủng hộ Nam Kinh nhằm cân bằng với căn cứ quyền lực của Viên Thế Khải ở phía Bắc.[119] Ngày hôm sau, Hội nghị Nghị viện Lâm thời bỏ phiếu lại, lần này Nam Kinh được 19 phiếu còn Bắc Kinh được 6 phiếu, Vũ Hán được 2 phiếu.[119] Tôn Trung Sơn cử một phái đoàn do Thái Nguyên BồiUông Tinh Vệ đi thuyết phục Viên Thế Khải chuyển đến Nam Kinh.[120] Viên Thế Khải nghênh tiếp phái đoàn và đồng ý đi cùng với các đại biểu về phía nam.[121] Vào đêm ngày 29 tháng 2, các vụ bạo động và phóng hỏa xảy ra trên khắp Bắc Kinh.[121] Đội quân bất phục tùng của Tào Côn (một sĩ quan trung thành với Viên Thế Khải) được quy trách nhiệm khởi đầu sự việc.[121] Rối loạn trong hàng ngũ quân đội lan đến Thông Châu, Thiên Tân và Bảo Định.[121] Viên Thế Khải lấy các sự kiện này làm lý do để ở lại miền Bắc nhằm chỉ đạo chống lại tình trạng bất ổn. Vào ngày 10 tháng 3, Viên Thế Khải làm lễ tấn phong chức Đại tổng thống lâm thời của Trung Hoa Dân Quốc tại Bắc Kinh.[122] Viên Thế Khải đặt văn phòng điều hành và dinh thự tại Trung Nam Hải, cạnh Tử Cấm Thành. Ngày 5 tháng 4, Nghị viện Lâm thời tại Nam Kinh bỏ phiếu bỏ phiếu chọn Bắc Kinh làm thủ đô của Dân Quốc và tụ họp tại Bắc Kinh vào cuối tháng đó.

Vào tháng 8, Tôn Trung Sơn đến Bắc Kinh, ông được Viên Thế Khải và một đám đông hàng nghìn người chào đón.[123] Tại Hồ Quảng hội quán, Đồng Minh hội do Tôn Trung Sơn, Hoàng Hưng và Tống Giáo Nhân lãnh đạo hợp với một số chính đảng nhỏ hơn để thành lập Quốc Dân đảng.[124] Cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức lần đầu tiên từ tháng 12 năm 1912 đến tháng 1 năm 1913, nam giới trên 21 tuổi được tiếp nhận giáo dục hay có tài sản đủ lớn, trả thuế, và có thể chứng minh cư trú hai năm ở một huyện có thể bỏ phiếu.[125] Một ước tính cho thấy 4-6% dân số Trung Quốc đăng ký tham gia bỏ phiếu.[126] Quốc Dân đảng giành chiến thắng trong cả hai viện của Quốc hội, Quốc hội được triệu tập tại Bắc Kinh vào tháng 4 năm 1913.[126]

Khi Quốc hội phê chuẩn hiến pháp, Viên Thế Khải chống lại các nỗ lực nhằm chia sẻ quyền lực. Không thông báo cho Quốc gội, Viên Thế Khải dàn xếp vay một khoản tiền lớn của ngoại quốc để dùng cho đội quân của mình. Khoản vay được ký kết tại Ngân hàng HSBC ở Đông Giao Dân Hạng, quyền thu thuế muối nằm trong tay ngoại quốc.[127] Các đặc vụ của Viên Thế Khải ám sát lãnh tụ Quốc Dân đảng là Tống Giáo Nhân ở Thượng Hải.[128] Đáp lại, Tôn Trung Sơn tiến hành Cách mạng Lần hai vào tháng 7 năm 1913, tuy nhiên Quốc Dân đảng thất bại và Tông Trung Sơn phải đi lưu vong. Sau đó, Viên Thế Khải buộc Quốc hội phải bầu ông làm Đại tổng thống và trục xuất các thành viên của Quốc Dân đảng. Vào đầu năm 1914, Viên Thế Khải giải tán Quốc hội và đến tháng 5 thì bãi bỏ Hiến pháp lâm thời.[129] Ngày 23 tháng 12 năm 1915, Viên Thế Khải xưng đế, tức Hồng Hiến Đế, và chế độ của ông được gọi là Đế quốc Trung Hoa. Việc Viên Thế Khải xưng đế châm ngòi cho Chiến tranh hộ quốc khi các tỉnh phía nam nổi dậy. Viên Thế Khải buộc phải trở lại làm tổng thống vào tháng 3 năm 1916. Viên Thế Khải qua đời tại Bắc Kinh vào tháng 6 năm 1916, những sĩ quan xuất thân từ quân Bắc Dương cạnh tranh nhau quyền kiểm soát chính phủ. Trong 12 năm tiếp theo, chính phủ Bắc Dương đặt tại Bắc Kinh có không ít hơn 18 tổng thống, 5 quốc hội, 24 nội các, ít nhất 4 hiến pháp và sự kiện phục hồi nền quân chủ Mãn Thanh tồn tại hơn 10 ngày vào tháng 7 năm 1917.[130]

Không giống như các giai đoạn thay đổi triều đại trước đây, việc nhà Thanh sụp đổ không khiến dân số Bắc Kinh suy giảm đáng kể, con số này là 785.442 vào năm 1910, 670.000 vào năm 1913 và 811.566 vào năm 1917.[131] Dân số khu vực xung quanh thành phố tăng từ 1,7 lên 2,9 trong cùng thời kỳ.[63]

Chiến tranh thế giới thứ nhất và phong trào Ngũ Tứ

Cuộc biểu tình của sinh viên vào ngày 29 tháng 11 năm 1919, một phần trong phong trào Ngũ Tứ

Sau khi Viên Thế Khải qua đời, Lý Nguyên Hồng trở thành đại tổng thống còn Đoàn Kỳ Thụy trở thành quốc vụ tổng lý, Quốc hội được tái triệu tập. Chính phủ nhanh chóng phải đối diện với một cuộc khủng hoảng về việc nên về phe Hiệp Ước trong Chiến tranh thế giới thứ nhất hay duy trì trung lập. Đoàn Kỳ Thụy ủng hộ tham gia chiến tranh song bị Lý Nguyên Hồng bác bỏ, quân phiệt Trương Huân được mời đến thủ đô để hòa giải. Trương Huân và đội quân bảo hoàng có bím tóc dài của ông tiến vào Bắc Kinh, giải tán Quốc hội và phục vị cho Phổ Nghi là hoàng đế triều Thanh vào ngày 1 tháng 7.[132] Lý Nguyên Hồng chạy đến Sứ quán Nhật Bản. Triều đình phục hưng tồn tại trong 12 ngày cho đến khi quân của Đoàn Kỳ Thụy tái chiếm thủ đô, Trương Huân phải chạy đến Sứ quán Hà Lan tị nạn. Theo lệnh của Đoàn Kỳ Thụy, Trung Quốc tuyên chiến với phe Đồng Minh và gửi 140.000 người lao động Trung Quốc đến làm việc tại Mặt trận phía Tây. Với hỗ trợ tài chính của Nhật Bản, Đoàn Kỳ Thụy sau đó thiết kế cuộc cầu cử Nghị viện mới vào năm 1918, song những người ủng hộ của Đoàn Kỳ Thụy xuất thân từ Hoàn hệ được sắp xếp trúng cử, chính phủ này vì thế còn được gọi là An Phủ (Hoàn là giản xưng của tỉnh An Huy).

Vào mùa xuân năm 1919, Trung Hoa Dân Quốc với vị thế là nước thắng trận cử một phái đoàn đến Hội nghị Hòa bình Paris nhằm yêu cầu được trao trả nhượng địa của Đức tại Sơn Đông. Tuy nhiên, Hòa ước Versailles lại trao lãnh thổ đó cho Nhật Bản. Tin tức về hòa ước gây phẫn nộ tại thủ đô Trung Quốc. Ngày 4 tháng 5, 3.000 sinh viên đến từ 13 trường đại học ở Bắc Kinh tập hợp tại quảng trường Thiên An Môn, khởi đầu Phong trào Ngũ Tứ để phản đối các cường quốc Tây phương phản bội Trung Quốc và nạn tham nhũng của An Phủ được Nhật Bản hỗ trợ tài chính. Họ tiến về phía các sứ quán ngoại quốc song bị chặn và chuyển sang tiến về tư gia của phó Bộ trưởng Ngoại giao Tào Nhữ Lâm, đây là nhân vật tham dự Hội nghị hòa bình và được xem là thân Nhật. Các sinh viên san bằng dinh thự của Tào Nhữ Lâm và đánh đập một nhà ngoại giao thân Nhật khác là Chương Tông Tường. Cảnh sát bắt giữ 32 sinh viên, và trong vòng một tuần, phong trào lan ra 200 thành thị thuộc 22 tỉnh. Đến cuối tháng 6, chính phủ Trung Quốc cam kết không ký kết hòa ước, bãi chức Tào Nhữ Lâm và Chương Tông Tường và phóng thích các sinh viên bị bắt.

Chính phủ Bắc Dương

Sinh viên biểu tình trước Thiên An Môn vào ngày 18 tháng 3 năm 1926, phản đối đặc quyền của các cường quốc tại Trung Quốc.Sau khi đoạt được Bắc Kinh trong Bắc phạt, các lãnh tụ Quốc Dân đảng do Tưởng Giới Thạch đứng đầu tập hợp tại Bích Vân tự vào ngày 6 tháng 7 năm 1928, mục đích là để tỏ lòng tôn kính Tôn Trung Sơn

Vào thập niên 1920, quân Bắc Dương vốn hùng mạnh bị phân chia thành các bè phái và tranh giành quyền kiểm soát chính phủ Quốc dân cũng như thủ đô. Do suy yếu sau phong trào Ngũ Tứ năm 1919, vào tháng 7 năm 1920, chính phủ của Đoàn Kỳ Thụy bị Trực hệ của Ngô Bội PhuTào Côn đẩy ra khỏi Bắc Kinh trong chiến tranh Trực-Hoàn. Hai năm sau, Trực hệ phải giao chiến với Phụng hệMãn Châu do Trương Tác Lâm lãnh đạo trong Chiến tranh Trực-Phụng lần thứ nhất. Khi hai bên lại giao chiến trong Chiến tranh Trực-Phụng lần thứ hai vào năm 1924, một sĩ quan của Ngô Bội Phu là Phùng Ngọc Tường phát động Chính biến Bắc Kinh. Vào ngày 23 tháng 10 năm 1924, Phùng Ngọc Tường chiếm được thủ đô, giam cầm đại tổng thống Tào Côn, phục vị nguyên thủ quốc gia cho Đoàn Kỳ Thụy và mời Tôn Trung Sơn đến Bắc Kinh để hòa đàm. Khi đó, Tôn Trung Sơn đang xây dựng một chính phủ Quốc dân tại Quảng Châu với sự trợ giúp của Đệ Tam Quốc tế và sự ủng hộ của Trung Quốc Cộng sản đảng. Tôn Trung Sơn bị bệnh ung thư khi ông đến Bắc Kinh vào đầu năm 1925 trong nỗ lực cuối cùng của ông nhằm hòa giải đối địch bắc-nam. Ông được hàng trăm tổ chức dân sự chào đón, và kêu gọi xây dựng một chính phủ thống nhất. Tôn Trung Sơn qua đời tại Bắc Kinh vào ngày 12 tháng 3 năm 1925, được an táng tại Bích Vân tự.

Trương Tác Lâm và Ngô Bội Phu hợp binh chống lại Phùng Ngọc Tường (là người dựa vào sự ủng hộ của Liên Xô). Phùng Ngọc Tường có lập trường thân Quốc Dân đảng và Cộng sản đảng, cũng là các lực lượng có ảnh hưởng tại thành phố. Trong thời kỳ này, Bắc Kinh là nơi các hoạt động sinh viên phát triển mạnh. Trong Phong trào Ngũ Tạp vào năm 1925, có 12.000 sinh viên từ 90 trường học diễu hành qua Vương Phủ Tỉnh đến Thiên An Môn để ủng hộ những người kháng nghị tại Thượng Hải.[133] Với việc mở các trường học tư như Đại học Yên Kinh vào năm 1919 và Đại học Phụ Nhân vào năm 1925, số lượng sinh viên tại Bắc Kinh gia tăng đáng kể vào đầu thập niên 1920.[133] Các học sinh trung học cũng tham gia vào các hoạt động kháng nghị.[133] Vào tháng 10, các sinh viên kháng nghị chủ nghĩa đế quốc trong một hội nghị quốc tế về hải quan và thuế quan được tổ chức tại thành phố.[134] Vào tháng 11, Lý Đại Chiêu tổ chức một cuộc biểu tình gồm sinh viên và công nhân để yêu cầu Đoàn Kỳ Thụy từ chức. Cuộc biểu tình biến thành bạo lực, những người biểu tình đốt cháy các tòa soạn báo lớn, và bị giải tán.[135]

Mặc dù Quốc Dân đảng dưới sự lãnh đạo của Tôn Trung Sơn liên minh với những người cộng sản trong cuộc đấu tranh với các quân phiệt, song liên mình không tránh khỏi căng thẳng. Vào tháng 11 năm 1925, một nhóm hữu khuynh trong hàng ngũ lãnh đạo Quốc Dân đảng hội đàm tại Tây Sơn Bắc Kinh và kêu gọi trục xuất những người cộng sản ra khỏi Quốc Dân đảng và cắt đứt các quan hệ với Đệ Tam quốc tế, bao gồm cả cố vấn Mikhail Borodin.[134][136] Trung ương đảng của Quốc Dân đảng tại Quảng Châu do Tưởng Giới Thạch, Uông Tinh Vệ và Hồ Hán Dân lãnh đạo phản đối kịch liệt bản tuyên ngôn này, và các thành viên của "nhóm Tây Sơn" bị trục xuất khỏi đảng hoặc bị bãi nhiệm các chức vụ lãnh đạo đảng.[137]

Ngày 17 tháng 3 năm 1926, Quốc Dân quân của Phùng Ngọc Tường tại pháo đài Đại Cô gần Thiên Tân đọ súng với tàu chiến Nhật Bản chở quân Phụng hệ của Trương Tác Lâm. Nhật Bản cáo buộc chính phủ Trung Quốc vi phạm Điều ước Tân Sửu, và cùng với bảy cường quốc khác ra tối hậu thư yêu cầu loại bỏ tất cả các căn cứ phòng thủ giữa Bắc Kinh và biển theo quy định trong Điều ước. Tối hậu thư châm ngòi cho các cuộc biểu tình của sinh viên ở Bắc Kinh, phối hợp tổ chức với các thành viên tả khuynh trong Quốc Dân đảng và Cộng sản đảng. Hai nghìn sinh viên diễu hành đến văn phòng hành chính của Đoàn Kỳ Thụy và kêu gọi bãi bỏ các điều ước bất bình đẳng.[138] Cảnh sát khai hỏa vào đám đông và khiến 50 người thiệt mạng và 200 người bị thương, sự kiện này được gọi là Thảm án Tam Nhất Bát.[139] Chính phủ ra trát bắt giữ các đảng viên Quốc Dân đảng và Cộng sản đảng, trong đó có Lý Đại Chiêu- người chạy vào Sứ quán Liên Xô.[138] Trong nhiều tuần lễ, quân của Phùng Ngọc Tường chiến bại trước quân của Trương Tác Lâm, nội các của Đoàn Kỳ Thụy sụp đổ. Sau khi Trương Tác Lâm đoạt lấy quyền lực vào ngày 1 tháng 5 năm 1926, cả Quốc Dân đảng và Cộng sản đảng đều chuyển sang hoạt động bí mật.[140] Một năm sau, Trương Tác Lâm cho quân tiến vào Sứ quán Liên Xô và bắt giữ Lý Đại Chiêu. Lý Đại Chiêu cùng 19 nhà hoạt động cộng sản và quốc dân bị hành quyết tại Bắc Kinh vào ngày 25 tháng 4 năm 1927.

Trương Tác Lâm kiểm soát chính phủ Bắc Dương cho đến tháng 6 năm 1928, khi Quốc Dân đảng do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo cùng các đồng minh Diêm Tích Sơn và Phùng Ngọc Tường Bắc phạt, tiến vào Bắc Kinh. Bắc Kinh được chuyển giao một cách hòa bình cho Quốc Dân đảng.[141] Quốc Dân đảng chuyển thủ đô và lăng Tôn Trung Sơn đến Nam Kinh. Lần đầu tiên kể từ năm 1421, Bắc Kinh bị đổi tên thành Bắc Bình,[142] Thành phố trở thành tỉnh lị của tỉnh Hà Bắc song địa vị này cũng bị mất về tay Thiên Tân vào năm 1930. Trong Trung Nguyên đại chiến năm 1930, quân phiệt Thiểm Tây Diêm Tích Sơn chiếm được Bắc Bình trong một thời gian ngắn và thiết lập một chính phủ Quốc dân kình địch, song sau đó để mất thành phố về tay một đồng minh của Tưởng Giới Thạch là Trương Học Lương.[143]

Phát triển đô thị trong thập niên 1920

Trong thời kỳ do chính phủ Bắc Dương quản lý, Bắc Kinh chuyển đổi từ một thủ đô phong kiến sang một thành phố hiện đại. Dân số thành phố tăng từ 725.235 vào năm 1912 lên 863.209 vào năm 1921.[144] Chính quyền tìm cách hiện đại hóa thành phố thông qua các công trình công cộng. Các nhà chức trách tái định hình cho tường thành và cổng thành, trải nhựa và mở rộng các đường phố, lắp đặt dịch vụ xe điện, đưa ra các quy hoạch đô thị và quản lý cấp khu vực. Họ cho xây dựng hệ thống cung cấp nước hiện đại, cải thiện vệ sinh môi trường đô thị, giáo dục cộng đồng về cách xử lý thực phẩm và chất thải, giám sát dịch bệnh truyền nhiễm. Nhờ phát triển y tế công cộng, tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và tuổi thọ trung bình của cư dân nhìn chung được cải thiện.[145] Việc chuyển đổi hiện đại hóa được thúc đẩy do các ảnh hưởng từ Tây phương và truyền thống, bởi vai trò ngày càng tăng của nhà nước trong các vấn đề đô thị, và với các công nghệ mới được chuyển giao từ Tây phương.[146]

Một ví dụ về việc nhấn mạnh quyền công dân so với truyền thống phong kiến là việc phát triển các công viên đô thị tại Bắc Kinh. Ý tưởng về việc công viên là nơi mà thường dân có thể thư giãn trong một cảnh quan nhân tạo du nhập từ Tây phương sang Trung Quốc qua đường Nhật Bản. Chính quyền thành phố Bắc Kinh, tầng lớp hào tộc và thương nhân địa phương đều thúc đẩy sự phát triển của các công viên tại Bắc Kinh. Hội đồng thành phố Bắc Kinh cho rằng công viên sẽ là nơi giải trí lành mạnh, giúp giảm bớt các chứng nghiện rượu, cờ bạc và mại dâm. Các công viên tại Bắc Kinh hầu hết được chuyển đổi từ những ngự hoa viên và đền chùa, trước đây là những nơi hạn chế đối với thường dân. Sau Chính biến Bắc Kinh năm 1924, Phùng Ngọc Tường đuổi Phổ Nghi ra khỏi Tử Cấm Thành, nơi này được mở cửa cho công chúng với tên gọi Quốc lập Cố cung Bác vật quán. Các công viên cũng là nơi diễn ra các hoạt động thương mại và trao đổi công khai các ý tưởng chính trị và xã hội trong tầng lớp trung lưu và thượng lưu.[147]

Việc Bắc Kinh bị hạ từ thủ đô xuống một tỉnh lị kìm hãm rất nhiều các sáng kiến quy hoạch đô thị nhằm hiện đại hóa thành phố. Cùng với địa vị chính trị, Bắc Kinh cũng mất đi các khoản thuế, công ăn việc làm và quyền lực. Năm 1921, các ngân hàng lớn đặt trụ sở tại Bắc Kinh chiếm 51,9% lượng tư bản ngân hàng do 23 ngân hàng quan trọng nhất Trung Quốc nắm giữ.[148] Tỷ lệ này giảm xuống còn 2,8% vào năm 1928 và 0% vào năm 1935.[149] Thẩm quyền của thành phố cũng bị giảm do nhiều huyện xung quanh được tách sang các đơn vị khác trong tỉnh Hà Bắc. Lần đầu tiên kể từ thời Minh, thành phố không còn kiểm soát các khu vực nông nghiệp và nguồn cung cấp nước.[150] Ngay cả nhà máy điện cung cấp cho hệ thống xe điện của thành phố cùng nằm ngoài thẩm quyền hành chính của thành phố.[143] Các đề nghị gửi đến Nam Kinh nhằm đòi lại các đô thị như Uyển BìnhĐại Hưng bị từ chối.[151] Nhờ các di tích lịch sử và các trường đại học, Bắc Kinh vẫn duy trì vị thế là một trung tâm du lịch và giáo dục bậc cao, và được gọi là "Boston của Trung Quốc."[152] Vào năm 1935, dân số trong thành Bắc Bình đạt 1,11 triệu người, cùng với 3,485 triệu người ở khu vực xung quanh.[63]

Chiến tranh Trung-Nhật

Sau khi Nhật Bản chiếm Đông Bắc năm 1931, Bắc Bình bị đe dọa từ sự xâm lấm của người Nhật. Hiệp định Đường Cơ vào năm 1933 trao quyền kiểm soát Trường Thành cho Nhật Bản, và một khu phi quân sự 100-km phía nam Trường Thành được lập ra, tước đoạt khả năng phòng thủ phía bắc của Bắc Kinh. Hiệp định Hà Khâm-Umezu bí mật được ký kết vào tháng 5 năm 1935, theo đó yêu cầu chính phủ Trung Quốc triệt thoái các đơn vị Quốc quân khỏi tỉnh Hà Bắc và ngăn chặn các hoạt động chống Nhật của quần chúng Trung Quốc.[153] Hiệp định Tần Đức Thuần-Doihara vào tháng 6 năm 1935 buộc quân đoàn 29, một đơn vị cũ của Quốc Dân quân, phải di chuyển từ tỉnh Sát Cáp Nhĩ đến khu vực phía nam Bắc Bình, gần Nam Uyển.[154] Vào tháng 11 năm 1935, người Nhật dựng lên một chính phủ bù nhìn đặt tại Thông Châu gọi là Chính phủ Tự trị Phòng cộng Ký Đông, tuyên bố độc lập với chính phủ Trung Hoa Dân Quốc và kiểm soát 22 huyện phía đông Bắc Bình, bao gồm Thông Châu và Bình Cốc thuộc địa giới Bắc Kinh hiện nay.

Trước tình thế ngày càng căng thẳng, bộ sưu tập nghệ thuật của Bảo tàng Cố cung Quốc lập được di dời đến Nam Kinh vào ngày 1934 và nơi trú ẩn phòng không được xây dựng tại Trung Nam Hải.[155] Dòng người tị nạn từ Đông Bắc và sự hiện diện của các trường đại học biến Bắc Bình trở thành một lò lửa của tình cảm chống Nhật. Ngày 9 tháng 12 năm 1935, các sinh viên tại Bắc Bình phát động phong trào Nhất Nhị Cửu để phản đối Uỷ ban Chính vụ Kí-Sát (một chính phủ bù nhìn khác) và kêu gọi vệ quốc.

Vào ngày 7 tháng 7 năm 1937, quân đoàn 29 của Trung Quốc và Chi Na trú đồn quân của Nhật Bản đọ súng tại Lư Câu Kiều gần Uyển Bình thành ở tây nam Bắc Bình. Sự kiện Lư Câu Kiều gây ra Chiến tranh Trung-Nhật. Đến cuối tháng 7, quân tiếp viện của Nhật Bản với sự hỗ trợ của không quân tiến công toàn diện vào Bắc Kinh và Thiên Tân. Trong khi giao chiến ở phía nam Bắc Bình, phó chỉ huy trưởng quân đoàn 29 là Đông Lân Các và sư đoàn trưởng Triệu Đăng Vũ đều tử chiến. Họ cùng với Trương Tự Trung, một sư đoàn trưởng khác của quân đoàn 29 là ba nhân vật hiện đại duy nhất được dùng tên để đặt cho các tuyến phố tại Bắc Kinh ngày nay. Tại Thông Châu, lực lượng dân quân của Chính phủ Tự trị Phòng cộng Ký Đông từ chối hợp binh với người Nhật để tiến công quân đoàn 29, và còn tiến hành nổi dậy chống Nhật, song các lực lượng Trung Quốc phải triệt thoái về phía nam.[156][157] Tuy nhiên, Bắc Bình không phải chịu cảnh giao chiến trong đô thị và không bị phá hủy nhiều như các thành phố khác tại Trung Quốc.

Người Nhật lập ra một chế độ bù nhìn khác là Chính phủ Lâm thời Trung Hoa Dân Quốc, để quản lý vùng lãnh thổ chiếm được ở miền Bắc Trung Quốc, đổi tên Bắc Bình thành Bắc Kinh và lập làm thủ đô.[158] Chính phủ này sau đó hợp nhất với chính phủ của Uông Tinh Vệ đặt tại Nam Kinh, song quyền kiểm soát thực tế nằm trong tay quân đội Nhật Bản.[158] Trong chiến tranh, Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa được sơ tán đến các khu vực không bị chiếm đóng và thành lập nên Đại học Liên hiệp Quốc lập Tây Nam. Đại học Phụ Nhân được Tòa thánh Vatican (trung lập) bảo hộ. Sau khi bùng nổ Chiến tranh Thái Bình Dương với việc Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng vào tháng 12 năm 1941, quân Nhật đóng cửa Đại học Yên Kinh và giam cầm các nhân viên người Mỹ của đại học này. Một số người được du kích cộng sản ở những vùng nông thôn xa xôi cứu giúp. Thôn Tiêu Trang Hộ ở Thuận Nghĩa vẫn còn giữ lại một mê cung gồm các đường hầm dưới lòng đất với các sở chỉ huy, phòng họp và lối đi ngụy trang từ thời chiến tranh.[159]

Ngày 10 tháng 10 năm 1945, thời gian chiếm đóng Bắc Bình của Nhật Bản chấm dứt với việc quân đội Nhật Bản chính thức đầu hàng Quốc quân Trung Hoa Dân Quốc trong một buổi lễ tại Tử Cấm Thành.[160] Kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, thành phố chuyển sang thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Quốc dân và được đổi tên thành Bắc Bình.

Nội chiến Trung Quốc

Chân dung Tưởng Giới Thạch được treo tại Thiên An Môn.
Giải phóng quân tiến vào thành phố ngày 3 tháng 2 năm 1949. Trong hình là đoàn quân hành quân hướng về phía Tiền Môn.

Quốc Dân đảng và Cộng sản đảng là đồng minh trong chiến tranh Trung-Nhật, song họ tiếp tục tranh chấp sau khi Nhật Bản đầu hàng. Để ngăn chặn tái diễn nội chiến, chính phủ Hoa Kỳ phái George C. Marshall đến Trung Quốc để hòa giải.[161] Sứ mệnh Marshall đặt trụ sở chính tại Bắc Bình, tại đây một thỏa thuận ngừng bắn được mở ra vào ngày 10 tháng 1 năm 1946, và một ủy ban gồm ba người: một đại diện Quốc Dân đảng, một đại diện Cộng sản đảng và một đại diện Hoa Kỳ, được thành lập để điều tra các hành vi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ở Hoa Bắc và Mãn Châu.[162] Thỏa thuận ngừng bắn bắt đầu tan vỡ vào tháng 6 năm 1946 và sứ mệnh Marshall cuối cùng thất bại trong việc tạo ra một chính phủ liên minh. Sau khi Marshall ra đi vào tháng 2 năm 1947, nội chiến toàn diện nổ ra.

Các hoạt động quân sự của lực lượng Quốc Dân đảng tại miền Bắc Trung Quốc do Phó Tác Nghĩa- người chỉ huy 55 vạn quân- lãnh đạo, có trụ sở đặt tại Bắc Bình. Vào năm 1948, thành phố có 1,5 triệu cư dân và 4,1 triệu cư dân ở khu vực xung quanh.[63][Note 3] Sau khi chiến thắng trong chiến dịch Liêu Thẩm, vào ngày 29 tháng 11 năm 1948, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tiến hành chiến dịch Bình Tân. Giải phóng quân chiếm Trương Gia Khẩu ở phía tây bắc Bắc Bình vào ngày 24 tháng 12, chiếm Thiên Tân vào ngày 15 tháng 1 năm 1949. Với việc lực lượng Quốc Dân đảng thất bại trong chiến dịch Hoài Hải ở xa về phương Nam, Phó Tác Nghĩa và trên 20 vạn quân Quốc Dân đảng bị bao vây tại Bắc Kinh. Sau nhiều tuần thương lượng, vào ngày 22 tháng 1 năm 1949, Phó Tác Nghĩa rút quân đội khỏi thành phố để "tái tổ chức". Hành động đào ngũ của Phó Tác Nghĩa khiến thành phố, các cư dân và kiến trúc lịch sử của Bắc Bình khỏi bị hủy diệt. Ngày 3 tháng 2 năm đó, Giải phóng quân tiến vào Bắc Bình.

Vào mùa xuân năm 1949, lãnh đạo Quốc Dân đảng Lý Tông Nhân tiến hành nỗ lực cuối cùng nhằm bảo đảm một thỏa thuận ngừng bắn. Các cuộc hòa đàm được tổ chức tại Bắc Bình từ ngày 1 đến 12 tháng 4, song Cộng sản đảng không chấp nhận dừng lại ở Trường Giang và thừa nhận miền Nam do Quốc Dân đảng quản lý.[163] Giải phóng quân tiếp tục giành được thêm quyền kiểm soát phần còn lại của quốc gia, các nhà lãnh đạo Cộng sản đảng, các thành viên phái tả trong Quốc Dân đảng, và những người ủng hộ bên thứ ba tập hợp tại Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc ở Trung Nam Hải vào ngày 21 tháng 9. Để chuẩn bị cho việc thành lập một chế độ mới, họ thông qua quốc hiệu, quốc kỳ, quốc huy và quốc ca và thủ đô.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_Bắc_Kinh http://216.35.68.200/cities/findStory.cfm?city_id=... http://www.chnmuseum.cn/Default.aspx?TabId=138&Inf... http://www.china.com.cn/culture/zhuanti/2009-05/19... http://www.chinadaily.com.cn/china/2012-08/20/cont... http://www.confucianism.com.cn/html/keji/18028259.... http://www.jxnews.com.cn/oldnews/n1034/ca716016.ht... http://media.openedu.com.cn/media_file/netcourse/a... http://media.openedu.com.cn/media_file/netcourse/a... http://media.openedu.com.cn/media_file/netcourse/a... http://history.people.com.cn/GB/205396/15194538.ht...